04:13 EDT Thứ ba, 19/03/2024

Liên kết Website

Bo ngoai giao
bộ giáo dục
Sở giáo dục nghệ an
Cổng thông tin tuyển sinh

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 110


Hôm nayHôm nay : 20691

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 604776

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7402253

Trang nhất » Giới thiệu

55 NĂM VƯƠN LÊN TỪ TRONG GIAN KHÓ

Bùi Văn Hưng
(Bí thư chi Bộ, Hiệu trường Nhà trường)
 
Đồng chí Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể nhà trường.
 
Trường cấp 3 Yên Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) được thành lập ngày 01/09/1961, đóng tại đình Bảo Lâm, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Năm 1965, trường cấp 3 Yên Thành 2 được thành lập. Một bộ phận học sinh của trường cấp 3 Yên Thành được chuyển về học ở trường mới, một số nhà giáo của Trường được điều động tăng cường cho trường bạn. Từ đây, Trường được đổi tên thành Trường Cấp 3 Yên Thành l. Từ ngày 25 tháng 4 năm 1984, Trường vinh dự được mang tên Phan Đăng Lưu - một người con ưu tú của Yên Thành, của Nghệ Tĩnh đỏ anh hùng. Để đáp ứng nhu cầu học tập không ngừng tăng  lên của con em Yên Thành, năm 1983, phân hiệu 2 của trường được thành lập tại xã Lăng Thành, cách trường 9km. Đến năm 1991, khi phân hiệu 2 phát triển thành Trường Trung học phổ thông Bắc Yên Thành, thì Trường vẫn mang tên PTTH Phan Đăng Lưu. Giai đoạn 1995 - 2000 khi được giao thực hiện chương trình thí điểm phân ban lần thứ nhất cùng với 7 trường khác của tỉnh Nghệ An, Trường mang tên THPT Chuyên ban phan Đăng Lưu. Từ năm 2000 đến nay là Trường THPT Phan Đăng Lưu. Việc thành lập Trường cấp 3 Yên Thành ngày ấy là một sự kiện quan trọng của huyện nhà, đáp ứng kịp thời nhu cầu của một miền quê hiếu học, nhưng điều kiện học tập lại rất khó khăn.
Ra đời trong hoà bình, nhưng Trường gặp muôn vàn gian khó; có thể nói khó khăn đã dồn dập đến với Trường. Năm học 1961-1962, tuy mới chỉ có 03 lớp 8 (lớp l0 ngày nay) với hơn 100 thầy và trò, nhưng Trường vẫn không có chỗ học mà phải học trong một ngôi đình của xã Hoa Thành. Mọi hoạt động của Trường cũng đều được bố trí trong khuôn viên của ngôi đình này. Năm 1965 khi chiến tranh ập đến, trong luc phải hỗ trợ lực lượng cho trường bạn mới thành lập thì trường lại phải lo sơ tán về xóm Hóp, xã Văn Thành để tránh thương vong trong quá trình tổ chức hoạt động. Chưa hết, Trường còn phải sơ tán thêm hai lần nữa trước khi chuyển về địa điểm hiện nay kể từ năm 1973: năm 1972, trường phải chuyển về thôn Kẻ Ngòi – Tăng Thành, sau đó lại chuyển tiếp về thôn Thạch Châu cũng của xã Văn Thành. Mười năm trong chiến tranh (1965-1975) là mười năm phải trải qua nhiều gian khó, nhưng cũng là mười năm đầy tự hào của Trường. Vừa di chuyển, vừa xây dựng nhưng không hề sao nhãng việc nâng cao chất lượng giáo dục. Chính trong những năm tháng gian khó ấy, nhà trường luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, là một trong những trường khá trong phong trào thi đua “Hai tốt” của tỉnh.
Nhớ lại ngày đầu mới thành lập, trường chỉ có hơn 100 thầy và trò. Tuy đa qua hai lần chia tách để thành lập thêm 2 trường khác, nhưng đến năm học 2015 – 2016, trường vẫn có tới 39 lớp với 1.726 học sinh và 96 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Để đáp ứng yêu cầu dạy và học qua từng thời kỳ, nhà trường đã không ngừng chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, và phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Học trong đình, rồi ba lần tự làm lán để học ở ba nơi sơ tán. Từ 1973 lớp học vẫn chỉ làm từ tranh, tre, nứa, lá, ''phên'' đất, đến ngày nay, Trường đã có một cảnh quan sư phạm xanh, sạch, đẹp; một cơ ngơi tương đối khang trang với đầy đủ phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm-thực hành, phòng học tin học, phòng học tiếng nước ngoài, các phòng học chức năng khác, phòng làm việc và sân chơi, bãi tập đủ phục vụ yêu cầu cơ bản của việc dạy, học và các hoạt động giáo dục. Trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp chính quyền thì ''nội lực'' của trường đóng một vai trò rất lớn. Từ năm 198l, thầy và trò đã tự đóng và nung gạch để xây trường, và đến năm 1986 đã ''ngói hóa'' toàn bộ phòng học, phòng làm việc. Có ở trong một huyện thuần nông, và ở trong hoàn cảnh thời bấy giờ thì mới cảm nhận được đó là một thành quả rất lớn.
Từ không đầy 10 cán bộ, giáo viên, trong đó có người chưa đạt chuẩn đào tạo và cao nhất cũng chỉ là trình độ đại học của buổi ban đầu, đến năm học 2015-2016, ngoài 06 nhân viên, thì trong số 04 cán bộ quản lý và 86 giáo viên, đã có 45 người có trình độ thạc sĩ, 1 người có học vị tiến sĩ. Cũng cần phải nói thêm, đến nay trường đã có 14 thạc sĩ tăng cường cho các trường bạn, các cơ sở giáo dục khác trong Tỉnh cũng như trong Huyện. Cho đến nay, có 2 nhà giáo đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; nhiều người được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, của UBND tỉnh. Hàng trăm lượt nhà giáo được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; và 2 nhà giáo được tặng giải thưởng ''Tài năng Sư phạm''. Có 66 nhà giáo của Trường đã được công nhận là Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 36 nhà giáo có sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh. Có thể nói, số lượng và chất lượng của đội ngũ nhà giáo của Trường đã không ngừng được nâng lên. Tên tuổi của nhiều thầy cô giáo đã vượt ra ngoài khuôn viên nhà trường như Nhà giáo ưu tú Chu Văn Tần, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Khuân, các nhà giáo Phan Hoản, Nguyễn Huấn (ĐL), Phan Ngọc Diệm, Hoàng Thái Sơn, Trần Đức Liên, Võ Thanh Hải, Phan Văn Cường, Nguyễn Văn Khoa.. (Bộ môn Toán Học); Bùi Văn Hưng, Phan Thị Thanh Hội, Đường Văn Tịnh.. (Bộ môn Sinh Học); Phan Trọng Chu, Huỳnh Nam Yên, Phan Bá Nghĩa, Chu Văn Long, Đoàn Tiến Sỹ... (Bộ môn Vật Lí); Nguyễn Sơn Ngọc, Thái Hữu Thịnh, Nguyễn Trọng Hùng, Bùi Xuân Bách, Nguyễn Thị Chiến... (Bộ môn Hóa Học); Phan Bá Hàm, Hoàng Trữ, Hoàng Hân, Nguyễn Thành Loan, Nguyễn Đức Kiều, Lê Thị Hằng, Đặng Quỳnh Giang, Cao Thị Nguyệt...(Bộ môn Ngữ Văn); Phan Hoa Đông...(Bộ môn Lịch Sử), Nguyễn Xuân Nhương...(Bộ môn Địa Lí), Vương Thị Lan, Triệu Thị Nghĩa...(Bộ môn Tiếng Anh), Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Quế Bình, Phan Trung Hoài...(Bộ môn Thể dục),... Cùng với lớp lớp học sinh thành đạt trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, các thầy cô giáo giỏi hết lòng vì học sinh đã nâng Trường Trung học phổ thông Phan Đăng Lưu lên vị trí cao trong số 90 trường trung học phổ thông của đất học Nghệ An, góp phần làm rạng danh mái trường này.
55 năm phấn đấu cho chất lượng giáo dục toàn diện là cả quá trình kiên cường, bền bỉ không biết mệt mỏi của tập thể nhà trường. Đặc biệt bước vào thời kỳ đổi mới, tiếp tục phát huy truyền thống của mình, nhà trường đã không ngừng vươn lên trên mọi mặt hoạt động. Cùng với việc nâng cao chất lượng văn hoá và giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, nhà trường đã đưa học sinh tham gia vào nhiều hoạt động văn hoá-văn nghệ, thể dục-thể thao nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các em.  Trường cũng đã tích cực tổ chức cho học sinh tham gia vào các hoạt động phòng chống tội phạm, không để các tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường. Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất là một thực tế sống động ở trường THPT Phan Đang Lưu. Có thời kỳ (1990 - 1994) mỗi lớp học có hơn một ''sào'' đất để trồng rau, và đã thực sự tạo ra sản phẩm hàng hóa. Hàng năm Trường tổ chức cho học sinh tham gia làm thủy lợi, góp phần đảm bảo việc tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Vượt lên mọi khó khăn gian khổ, nhà trường đã bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh. Từ năm 1994 - 2016 có hơn 716 lượt học sinh được công nhận danh hiệu Học sinh giỏi cấp tỉnh ở các bộ môn văn hóa, trong đó có l7 giải nhất, 75 giải nhì, 140 giải ba; năm học 2010-201l đứng thứ 4, năm học 2015-2016 đứng thứ 6 trong toàn tỉnh. Sau khi ra trường, nhiêu học sinh đã thi đậu vào vào các trường đại học, cao đẳng. Nhớ lại thời kỳ đầu, môi năm chỉ có vài chục em đậu đại  học; nhưng những năm gân đây, với hàng loạt nỗ lực đổi mới trong công tác quản lí và sự tận tâm của cán bộ, giáo viên, mỗi năm Trường có trên dưới 350 học sinh lớp 12 đậu vào Đại học. Dẫu vẫn có sự thăng trầm nhưng trường luôn nằm trong tôp đầu về chất lượng thi vào Đại học của khối các trường Trung học phổ thông của tỉnh (Năm học 2006 -2007 đứng thứ 64 trong toàn quốc, năm học 2009-2010 đứng thứ 7 của tỉnh, thứ 25l của cả nước với 1.044 lượt thí sinh dự thi, bình quân đạt 12,79 điểm; năm học 2010-201l đứng thứ l0 của tỉnh, thứ 292 của cả nước với l.042 lượt thí sinh dự thi, bình quân đạt 12,76 điểm). Từ năm 2002 đến nay có 7 học sinh đạt danh hiệu Thủ khoa đại học khi thi vào các trường đại học hàng đầu của nước ta, trong đó học sinh Trần Đình Cương là một trong bốn Thủ khoa quốc gia năm 2002. Số học sinh không đi tiếp vào đại học, cao đẳng thì trở về phục vụ lao động sản xuất tại quê hương, họ đã trở thành lực lượng lao động có trình độ khoa học- kỹ thuật, góp phần làm biến đổi sức sản xuất ngay tại nơi chôn rau cắt rốn của mình, làm cho đời sống của nhân dân ở vùng đồng chiêm trũng Yên Thành ngày một đổi thay nhanh chóng. Nhìn lại 55 năm qua, trong các thế hệ học sinh của Trường cấp 3 Yên Thành - THPT Phan Đăng Lưu ra trường, nhiều người đã và đang đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Chính quyền các cấp như các đồng chí Nguyễn Thế Trung, Hồ Xuân Sơn (ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI), Nguyễn Đình Chi (nguyên Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An), Phan Văn Quý (Anh hùng LLVTND - Đại biểu Quốc hội khóa XIII), Phan Văn Tân (Bí thư Huyện ủy Yên Thành)…; nhiều người đã thành đạt trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội; trở thành các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp giỏi. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, hàng ngàn thanh niên là học sinh của trường đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Nhiều người trong số họ đã hiến dâng một phần xương máu cho Đất mẹ, 142 người mãi mãi tuổi xanh.
55 năm phấn đấu cho chất lượng giáo dục toàn diện, Trường Trung học phổ thông Phan Đăng Lưu đã được các cấp các ngành quan tâm, động viên và ghi nhận: Được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất (năm 2001), Huân chương Lao động hạng nhì (năm 1996), Huân chương Lao động hạng ba (năm 1991); được Bộ GD-ĐT tặng 06 Bằng khen; được UBND tỉnh tặng 02 Cờ thi đua xuất sắc và nhiều Bằng khen; và còn nhiều hình thức khen thưởng khác. Từ năm học 1979 - 1980 đến nay đã có 19 năm được công nhận là Tập thể Lao động tiên tiến và 16 năm được công nhận là Tập thê Lao động xuất sắc.
Hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong trường đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, góp phần xứng đáng vào thành tích của nhà trường: Chi bộ Đảng liên tục được công nhận danh hiệu Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh và trong sạch vững mạnh xuất sắc; Đoàn trường nhiều năm được công nhận danh hiệu Cơ sở đoàn vững mạnh xuất sắc, Trung ương đoàn tặng Bằng khen; Công đoàn nhiều năm đạt' danh hiệu Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc,…
Trải qua 55 năm xây dựng, trường THPT Phan Đăng Lưu giữ vững truyền thống, trưởng thành nhanh chóng, đạt nhiều kết quả đáng trân trọng, tự hào. Với truyền thống vượt khó, đoàn kết thống nhất cao của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh; với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan quản lý giáo dục, chắc chắn Trường Trung học phổ thông Phan Đăng Lưu sẽ vươn lên những tầm cao mới, xứng đáng là một địa chỉ tin cậy về chất lượng giáo dục toàn diện của nhân dân huyện Yên Thành, của ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An.
Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường vào 19 -20/1 l/2016 sẽ là một dịp tốt để ôn lại, khơi dậy truyền thống, tạo thêm động lực mới, sức mạnh mới để Trường đạt được nhiều kết quả cao hơn trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài, xứng đáng với tiềm năng và truyền thống của Trường cấp 3 Yên Thành - THPT Phan Đăng Lưu.